Hưu chiến Lễ Giáng sinh

Hưu chiến đêm Giáng sinh (tiếng Anh: Christmas truce; tiếng Đức: Weihnachtsfrieden; tiếng Pháp: Trêve de Noël) là một loạt những cuộc ngừng bắn không chính thức xảy ra dọc theo Mặt trận phía Tây trong dịp Giáng sinh năm 1914 giữa lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra. Một tuần trước ngày lễ, binh lính hai bên tham chiến đối đầu là ĐứcAnh Quốc băng qua các chiến hào để trao đổi lời chào mừng cũng như trò chuyện với nhau. Vào ngày và đêm trước Lễ Giáng Sinh cũng như đúng ngày lễ này, binh sĩ từ hai phía dò dẫm tiến vào vùng giao tranh, ngồi lại với nhau rồi cùng trao đổi thức ăn và những món quà kỷ niệm. Họ trao đổi tù binh, tổ chức chung lễ an táng, rồi hát với nhau các ca khúc Giáng sinh trước khi chia tay. Họ cũng tổ chức những trận đấu bóng giao hữu, tạo nên những ấn tượng sâu đậm nhất về cuộc hưu chiến. Tuy nhiên, tại một số khu vực, chiến tranh vẫn tiếp diễn, trong khi ở những nơi khác chỉ xảy ra những cuộc dàn xếp để thu hồi thi thể các binh sĩ tử trận.Năm sau, mặc dù có một ít đơn vị cố sắp xếp những cuộc hưu chiến, số lượng các cuộc ngừng bắn không nhiều bằng năm 1914, một phần do mệnh lệnh nghiêm nhặt từ cấp trên ngăn cấm binh lính hai bên biểu lộ tình thân hữu. Không còn có chuyện hưu chiến trong Giáng sinh năm 1916. Chiến tranh khốc liệt hơn với thiệt hại nhân mạng tăng cao khi xảy ra trận Sommetrận Verdun, cùng với việc sử dụng vũ khí hóa học.Hưu chiến không chỉ diễn ra trong mùa Giáng Sinh, nhưng là một hiện tượng phản ánh tâm lý “hãy sống và để người khác sống” khi những người lính trú đóng gần kề nhau công khai ngưng tỏ thái độ thù địch với nhau. Họ thường quy tụ thành những nhóm nhỏ, cùng tán gẫu và trao đổi thuốc lá. Cũng có một số cuộc hưu chiến được dàn xếp cho phép binh sĩ băng qua chiến tuyến để tải thương hoặc thu hồi thi thể đồng đội. Tại một số địa điểm, có những thỏa thuận ngầm không bắn nhau khi phía bên kia đang nghỉ ngơi, tập thể dục, hoặc làm việc dù họ đang ở trong tầm ngắm.Tuy nhiên, các cuộc hưu chiến Lễ Giáng Sinh đặc biệt có ý nghĩa đối với những người trong cuộc, nổi bật với mức độ thân thiện cao từ hai phía – ngay cả có những nơi, hàng chục người công khai dự thánh lễ với nhau giữa ban ngày – những điều này được xem như là biểu trưng cho hòa bình và tình nhân loại xảy ra giữa một trong những giai đoạn tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.